Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

ĐỌC VÀ THẨM THƠ HÙNG NGUYỄN (Lan Phương KTV)



      nGàY kHáT...


- Và con dế mèn cõng giọt sương mai đi qua từng miền lá cỏ 
   Vấp phải mặt trời 
  Giọt sương vỡ vụn 
  Thành bụi nước pha lê  
 Mai này dế có còn reo ?

- Và cơn gió vàng cõng mùa nắng đi qua từng miền đá sỏi  
Vấp phải lời chim hót  
Mùa nắng rách toang  
Thành hoa lụa hoàng hôn  
Mai này gió có còn bay ?

- Và em buồn cõng cuộc tình đi qua từng miền hoang dại  
Vấp phải câu thơ buồn hơn  
Cuộc tình nhăn nhúm  
Thành đèo dốc quanh co  
Mai này em có còn đau ?

- Và ta cuồng cõng cuộc đời đi qua từng miền tối sáng  
Vấp phải lòng người  
Cuộc đời héo hắt  
Thành huyễn hoặc vô âm  
Mai này ta có còn say ?

- Và...  
Chợt thương dế mèn phong ba  
Chợt thương em buồn mù lòa  
Chợt thương gió vàng bao la  
Chợt thương ta cuồng la đà...

                            (Hùng Nguyễn - Tháng 5 năm 2012))



__________________________________

      @Cảm xúc Đỗ Lan Phương :

  
Không một lần dùng đến từ "Khát" mà bài thơ vẫn thể hiện được cảm giác khô đắng trong cơn khát bỏng.


"Và" 

 

Mỗi khổ thơ luôn bắt đầu từ đó và bài thơ cũng kết thúc bằng ba dấu chấm lửng. Dường như tác giả vẫn đang trải lòng mình ra miên man với những cảm xúc liền mạch - chưa muốn ngừng - mà chỉ là tạm dừng lại, chen ngang vào một tiếng thở dài.

Bốn câu hỏi trong bài cũng chính là câu trả lời của tác giả, bởi không thể nói dối được trước sự thật hiển nhiên đến vậy:

"Mai này dế có còn reo?"
"Mai này gió có còn bay?"
"Mai này em có còn đau?"
"Mai này ta có còn say?" 

Mai Này ạ! Mai Này có đôi tai để nghe thanh âm; Có mái tóc, làn da để cảm nhận gió; Có nơ-ron thần kinh để phản xạ với nỗi đau, cơn say. Vậy nên Mai Này rõ hơn ai hết bốn dấu chấm hỏi kia đang nói gì!

Nặng lắm phải không, khi tác giả luôn lặp lại động tác "cõng" ở mỗi khổ thơ? Có một cái gì đó rất gần gũi, thân thiết và tràn đầy ân cảm trong tiểu tiết ấy:


"Và con dế mèn cõng giọt sương mai đi qua từng miền lá cỏ

Vấp phải mặt trời

Giọt sương vỡ vụn

Thành bụi nước pha lê..."


Dế được ví như nhạc công của đêm, trải tiết tấu cùng sao khuya, trăng muộn. Tiếng nỉ non ấy đánh thức giấc ngủ, khiến trằn trọc với quá vãng, trăn trở đợi bình minh. Dế uống gió ngậm sương mà chau chuốt điệu đàn. Tia nắng đầu ngày làm nó im bặt, lặng lẽ giấu mình trong đám cỏ và khóc thầm cho nỗi cô đơn.

Tác giả thương dế - thương mình - cho dế mang theo giọt tinh túy của đêm để an ủi. Hạt sương đã không tan biến dưới ánh mặt trời mà chia thành muôn bụi nước lóng lánh pha lê, tán sắc cầu vồng làm quà tặng cho riêng dế. Ngày mới bắt đầu từ một lời tạm biệt.

Một góc nhìn thật tinh tế và nhân văn.


"Và cơn gió vàng cõng mùa nắng đi qua từng miền đá sỏi

Vấp phải lời chim hót

Mùa nắng rách toang

Thành hoa lụa hoàng hôn..."


Gió có màu? Mà lại là màu vàng của nắng. Thật kỳ diệu! Hai bản thể thiên nhiên ấy hòa trộn vào nhau, bện quấn lấy nhau, dìu nhau băng qua những cằn khô, gai góc. Ai bảo chúng vô tri? Chợt trong bụi mận gai cất lên lời chim thánh thót - bài thánh ca hay nhất trước khi lìa đời - bởi Sơn Ca đã chắt tất cả khổ đau, yêu thương đời mình vào tiếng hót sau cùng ấy. Nắng gió bung vỡ ra trước tinh túy của nỗi buồn, nhưng không tả tơi vô dụng mà tạo thành bức tranh lụa thêu hoa, nở hừng lên trong ánh hoàng hôn.

Vỡ ư? Rách ư? Không nguyên vẹn nữa ư? Với tác giả điều ấy không quan trọng. Vẫn là báu vật của riêng mình. Khổ thơ này thể hiện cái vô thường của bản ngã - đi từ tận cùng sự ích kỷ đến tận cùng của lòng cao thượng: "Dù chỉ còn là những vụn vỡ, nhưng tôi vẫn nâng niu trân trọng bởi đó là của riêng tôi".


"Và em buồn cõng cuộc tình đi qua từng miền hoang dại

Vấp phải câu thơ buồn hơn

Cuộc tình nhăn nhúm

Thành đèo dốc quanh co..."


Chủ thể thật sự của bài thơ đã xuất hiện - nặng trĩu nỗi buồn - nhọc nhằn trèo lên dốc tình theo lối mòn quanh co do chính dấu chân mình tạo ra trước đó. Em đã leo không phải chỉ một lần mà vẫn chưa đến đích, cố bám víu vào những gờ gợn của tuyệt vọng để không tiếp tục bị tuột xuống. Kiêu hãnh khi đã lên đến đỉnh ư? Thưa không! Khi Em còn đang ngó nghiêng, thưởng thức cảm giác của người vừa hoàn tất cuộc đua thì vấp phải Anh - đã ở trên đó từ lâu - duỗi đôi chân chai sần, thản nhiên nhìn Em và... cười. Nụ cười thu liễm.

Cứ như giao thoa, họ nhân lên đớn đau, cộng hưởng nỗi buồn để rồi nhập cùng vào một bước sóng.

Và cũng chính lúc đó - thật bất ngờ - Anh tưởng mình héo hắt bỗng giật mình chạm phải một héo hắt trầm kha hơn:

"Và ta cuồng cõng cuộc đời đi qua từng miền tối sáng

Vấp phải lòng người

Cuộc đời héo hắt

Thành huyễn hoặc vô âm..."


Nụ cười tắt. Anh từ bóng tối bước ra vùng sáng, trôi từ bán cầu bên này sang bán cầu kia mà với níu hư không.

Mơ mơ thực thực, vui vui buồn buồn - là cơn say đó Em! Say đằm tiếng dế ngậm sương, say lừng rách đau ngọn gió, say cuồng bóng nắng thất thường:

"Và...

Chợt thương dế mèn phong ba

Chợt thương em buồn mù lòa

Chợt thương gió vàng bao la

Chợt thương ta cuồng la đà..."

Là Anh say Em: Nỗi Buồn không nhìn bằng mắt. Là Anh thương Em: Cơn Gió bao mùa rũ úa tình phai. Là Anh thương mình: Chập chững tập lại từng bước đi của người sau đột quỵ. Là Anh khát! Càng say càng khát! Khát tiếng dế ban ngày, khát nắng sau mây, khát Em mù lòa, khát tình sương khói. Là Anh đã yêu.

Trong bài thơ tác giả nhiều lần dùng đến từ "vấp", nhưng vấp ở đây không phải do bất cẩn hoặc vô tình mà là những va chạm hiển nhiên phải đến trong cuộc tình, như đôi môi cố tình vấp phải nụ hôn vậy.
 Bài thơ hay không chỉ bởi những ẩn dụ hình ảnh mới lạ, cấu tứ khác biệt, mà còn bởi nội hàm sâu sắc toát lên trong từng câu chữ./

                                  (ĐLP - Tháng 5 năm 2012) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét