Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

HÙNG NGUYỄN (Boston) : Dưới con mắt của Nhà báo Nguyễn Lâm Cúc (Bình Thuận-Việt Nam)

 
(Nhà báo-Nhà thơ NGUYỄN LÂM CÚC)

*************************************************

NHỮNG DÒNG LỤC BÁT`PHÓNG ĐÃNG.

Monday, 24th September 2012
 alt

hungboston.vnweblogs.com

NLC

        Đây là lần thứ hai tôi đọc câu thơ táo tợn, thách thức “xỉa” vào đời sống vợ chồng, một lĩnh vực mà biên độ nhạy cảm là xa tận chân trời.

Lần thứ nhất đó là câu thơ “ Em có bỏ chồng về với tôi không?” của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Lần này là nguyên một bài tứ tuyệt mà ngay cái tựa đề đã gây sức ép cho một nửa loài người “ Bên biển nhớ vợ…người” của anh Nguyễn Hùng: “Biển buồn nhớ vợ…người ta/ Tiếc ngàn hải lý bơi qua bán cầu/ Nhậu chiều uống chậm say mau/ Thương con cá lội chảo dầu réo sôi”

            Cả hai tác giả đều là những nhà thơ viết Lục Bát giỏi. Người yêu thơ Việt Nam ít nhiều đều biết đến những bài Lục Bát mềm mại, êm đềm mang hình bóng cây tre, bến nước, con đò, dòng sông của  miền quê Việt Nam của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Riêng nhà thơ Nguyễn Hùng, tôi đồ rằng anh chỉ phổ biến thơ mình qua blog của riêng anh và còn ít người thích thơ biết đến những bài Lục Bát của anh, nhất là Lục Bát Tứ Tuyệt dù rằng Anh có nét thơ lạ lùng: Lục Bát Phóng đãng: 
   Tháp Nhạn 
“Tháp đội trên đầu Linga/ Chờ con Nhạn mái Ta Bà về chơi/ Trời xanh thăm thẳm miền trời/ Chân Hời uể oải, mắt Hời xa xăm”
  Ôi, Maria
 Thế gian đâu thiếu sinh linh/ Chưa từng ân ái- Thụ tinh nỗi gì? Chim chưa hót nắng xuân thì/ Màng trinh chưa bục- Mắc gì chịu ơn!”

 Tôi đọc thơ của anh Nguyễn Hùng tại blog hung boston/Vnweblogs ở những ngày đầu anh vừa mở blog, nhưng phải đến loạt 31 bài tứ tuyệt Lục Bát Ký Sự thì bị thuyết phục hoàn toàn.



       Viếng Kim Cang Tự

“Đò tham chở mất tiếng chuông

Sang ngang tiếng mõ đâm buồn ngẩn ngơ

Níu tay La Hán đòi thơ

Thơ khua lóc cóc có chờ nỗi không?”



        Song Kiều Đối Ẩm

“ Việt kiều khóc với Thúy Kiều

Chúng mình chung cánh đò chiều sang ngang

Nàng…đĩ thõa, ta…điếm đàng

Tay chèo boải hoải xóm làng ngó lơ”

Tôi rất ghét phải thanh minh về tác giả vì cho rằng thích thơ và nói về thơ không liên quan gì đến đời sống của người mần thơ, nhưng hôm nay tôi buộc phải có những dòng về anh Nguyễn Hùng mà theo như anh ấy tự gọi là Hùng Boston. Tôi không biết gì về anh Hùng ngoài một điều do anh thông tin ở blog đó là anh đang định cư tại Mỹ. Tôi tin những dòng này có thể trấn an được tôi và…vv

            Với tôi, thơ hay không cần cố nhớ, đọc xong những câu thơ đó bám tâm trí dai nhách như ăn vạ. Hôm vừa rồi, tôi đọc com trong blog nhà văn Trần Nhương, Ông trả lời một comment khác thành hai câu thơ hay tuyệt: “Gió gì gọi gió Phương Nam/ Để trai xứ Bắc lòng tràn Cửu Long”. Tôi bị 31 bài Lục Bát của anh Nguyễn Hùng đeo bám kiểu này, chúng ‘giày vò” tôi theo một cách nào đó, càng lúc càng đòi hỏi, thôi thúc tôi phải gõ gì đó về chúng.

Gõ gì nghĩ? Ngay lúc này đây tôi không biết rồi tôi sẽ gõ gì, nói gì về những bài Lục Bát ma mị kia, tôi chỉ hiểu rằng gõ tay lên phím lần này của tôi, trước hết là tìm cho chính tôi lối thoát khỏi sự bủa vây của bầy chữ từ những bài thơ giang hồ. Ví dụ như tôi cứ nghĩ tôi sẽ sửa một chữa trong những bài này:

     Trái Lục Bát

Trèo lên lục bát hái thơ

Đem về dú ép sững sờ…thơ chua

Rằm đem câu lục cúng chùa

Thất kinh câu bát mất mùa lương tri

(Tôi muốn sửa chữ thứ bảy, dòng thứ hai thành chữ ôi: Đem về dú ép sững sờ…ôi chua) Chữ ôi sẽ tạo thành tiếng  kêu và né được việc lập từ của hai câu liền kề.

Hay như bài: 
    Trăng Gềnh Ráng

“Sẵn về Gềnh Ráng liên hoan

Hỏi Hàn thi sĩ có còn mê trăng

Ngày xưa trăng đáng mặt trăng

Nay trăng có chữa với thằng mua trăng

(Tôi muốn sửa hai chữ cuối, dòng thứ tư thành “bán cha”

Nay trăng có chữa với thằng bán cha. Xin lỗi vì chữ tôi dùng cũng “du đảng không kém”)

Sửa thơ người khác là điều tối kỵ. Tôi phạm vào điều tối kỵ này vì bị tính “ma” trong 31 bài Lục Bát kia “hành”. Mà đã bị “ma làm” thì mong được hưởng “tha bổng”.

…………

  Đã có nhiều nhà thơ nhọc công tìm kiếm, thử nghiệm và tung ra nhiều bài thơ cách tân thơ: cách tân hình thức, làm mới  nội dung, đưa con chữ  từ  hiền lành, sang trọng  thành những chữ đao búa, tục tỉu vào thơ. Có những nhà thơ làm mới thơ bằng thể loại từ một chữ ở mỗi câu, đến viết  mỗi câu thơ dài bằng Việt Nam sang Campuchia; từ viết có chấm, có phẩy đến viết chẳng còn dấu má hay chữ hoa, chữ hòe đầu dòng, cuối dòng gì nữa… Thơ Nguyễn Hùng không thế, chỉ là những bài Lục Bát. Câu sáu, câu tám quen thuộc. Nhưng đọc sẽ thấy rất mới mẻ, sảng khoái vì cách gieo vần, vì ý, tứ vì chữ dùng táo bạo. Tôi đồ rằng đạt được điều đó là vì tác giả viết không nhằm gửi cho ai, không nhằm in ở đâu, cũng chẳng cần biết có ai sẽ đọc hay không. Chính vì thế, nằm  trong những bài lục bát này sự phóng khoáng, tính du đảng, nét ngang tàng đều có mặt tất thảy. Nhưng  sau những điều đó, ẩn ở một tầng nào đó trong chữ, nghĩa bóng một chiếc gông cùm nào đó, một nỗi mất mát nào đó, một đau đớn còn tươi nguyên, đỏ tím nào đó…Và tất cả, trời ạ, trên tất cả là sự chân thành. Một sự chân thành tột bật. Chân thành đến rơm rớm vị tha.

 Nói về Lục bát, bất kỳ ai định viết thơ với thể loại này khó thoát ra khỏi chiếc bóng vĩ đại của Thi Hào Nguyễn Du, hoặc Ca Dao Hò Vè Nhân Gian. Vì vậy, số người viết thơ Lục Bát rất đông, nhưng những nhà thơ đương thời đã đứng được cùng thể loại này chỉ một vài.

            Xin chúc nhà thơ Nguyễn Hùng thành công cùng những giòng thơ Lục Bát nhiều sức cuốn hút.

_________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét