88********************************************
Lời Bình: Xuân Sơn Huỳnh
Tác phẩm: NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI.
Tác giả: Hùng Nguyễn
**********************************************
NGHẸN LÒNG HAI TIẾNG MÌNH ƠI.
Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
Như bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải
Thân thương sao, đâu sá nệ mấy phương trời.
Bắt chước em, ta gọi lại "Mình ơi!"
Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng
Khoảng cách đâu rồi, một trời xa vắng
Gần gũi sao, da diết đến chơi vơi.
Thế rồi, ta quen miệng gọi nhau "Mình ơi!"
Mặc nợ duyên không nên nghĩa vợ chồng
Đi qua bão tiếng hời cao lồng lộng
Xuôi dòng tình rót khúc vọng lả lơi.
Khi chúng mình gọi nhau hai tiếng "Mình ơi!"
Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả
Là mặn mòi đầy đại dương vời vợi
Là hồi môn tặng đời một huyền thoại phù sa.
Nhé em, hãy cứ gọi nhau "Mình ơi!"
Âu yếm, giản đơn, thật thà như độc thoại
Xuyên nỗi nhớ, em gọi: Mình ơi...! trong hoang dại
Linh tính... anh nằm một mình cười mỉm... Mình ơi!
(Hùng Nguyễn)
***************************************
Hai mươi câu thơ Tự Do đã được tác giả Hùng Nguyễn chọn để chuyển tải
một khoảnh khắc" khi không", Bất ngờ chủ thể Anh nghe hai tiếng Mình ơi!
Đúng ra Anh phải được nghe mỗi ngày. Muốn hỏi tác giả vì đâu và vì sao
khiến cho Anh phải Nghẹn Lòng Hai Tiếng Mình Ơi! Nhưng thôi tự mình đi
tìm và lý giải trước đã...
Khi không, em thỏ thẻ hai tiếng "Mình ơi!"
Nhỏ nhẻ thế mà níu chiều chựng lại
Như bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải
Thân thương sao, đâu sá nệ mấy phương trời.
Vâng các cụ xưa nói chẳng sai "Đàn ông yêu bằng lỗ tai" Mới có hai
tiếng thỏ thẻ "Mình ơi!" Cất lên (có lẽ lần đầu tiên giữa Anh và Em thì
phải?) Mà đã khiến "Bàn tay trái nắm nhầm bàn tay phải"
Một hành
động vô thức này thôi đã quá đủ để diễn tả tâm trạng của chủ thể Anh khi
bất ngờ nghe "Em thỏ thẻ" Mà có lẽ lời em nhỏ nhẻ này, Anh nghe qua
điện thoại hoặc qua một phương tiện truyền thông nào đó ví như Skype
chẳng hạn. Cái cảm giác "thân thương" Bật lên từ chủ thể Anh đã tố cáo
chính anh về mối quan hệ giữa Anh và Em có gì đó chưa thật chỉn chu để
danh chính ngôn thuận mà âu yếm gọi nhau Mình ơi! Thêm một ý để người
viết tin vào điều ấy, cũng chính là ý thơ, thơ nhất, đẹp nhất khổ thơ
này "Níu chiều chựng lại" Lời nói mà Anh cho là "Nhỏ nhẻ thế" Mà sức
mạnh thì ghê gớm tới mức níu được chiều ư?
Không! Chiều vẫn đang
trôi không hề chựng lại... Chỉ có tâm hồn, trái tim loạn nhịp của ai đó
tuổi đã về chiều bỗng nhiên "Chựng lại" Khi nghe hai tiếng Mình Ơi!
Trong lúc không ngờ nhất mà lại đang phải cách "mấy phương trời" Mà
thôi!
"Khi không" Hai từ như hờn trách Em vậy, nhưng cả khổ thơ lại
là niềm vui, vui đến nghẹn ngào, đã khiến cho Anh không làm chủ được
hành động cũng như cảm xúc của mình. Nhưng rồi giây phút ấy qua đi cũng
rất nhanh . Anh kịp nhận ra hoàn cảnh của chính mình lúc này hoặc giả
chưa tin vào tai mình thì phải, nên Anh vội vàng:
Bắt chước em, ta gọi lại "Mình ơi!"
Nghe tiếng "Dạ" mà mùa Đông trẩy nắng
Khoảng cách đâu rồi, một trời xa vắng
Gần gũi sao, da diết đến chơi vơi.
Có lẽ chính Anh chưa tin vào tai mình thật, nên sự ngờ vực ấy là khởi
nguồn cho hành động bắt chước...Để rồi chỉ một tiếng Dạ đủ cho Anh bềnh
bồng mấy cõi...Mùa Đông nào trẩy nắng? Hay chính anh ngỡ mình hái cả bầu
trời đầy nắng mang về đốt cháy trái tim đang loạn nhịp đây?
Hai
khổ thơ diễn tả tâm lý, trạng thái, diễn tiến của hai chủ thể trữ tình
Anh và Em trong thơ của tác giả Hùng Nguyễn. Với những cảm xúc "thân
thương sao" "Da diết.." Đi kèm với tâm trạng "Chơi vơi"... Phải chăng
hai người họ không "Danh chính ngôn thuận" Để gọi nhau bằng đại từ Mình!
Như bao cặp vợ chồng vẫn âu yếm gọi nhau, hoặc giả những đôi lứa yêu
nhau trao cho nhau những lời tình tự gắn với đại từ Mình. Đúng sai trong
nhận định suy đoán này, người viết xin nhờ tác giả hoặc chủ thể Anh trả
lời dùm. Người viết xin mượn hai bài thơ sau của chính tác giả thay cho
lời phản biện của mình.
Vô Duyên.
Mắc gì thương vợ người ta.
Làm như vay mượn thịt da kiếp nào.
Lạy trời bơn bớt chiêm bao.
Kẻo trăm năm giấc ngủ nào cũng...Tanh.
(Hùng Nguyễn)
Lỡ Xuân.
Ta về...Ghé xuống sân ga.
Liệu em có dám bỏ nhà theo không?
Hay là vú cháu vù chồng.
Mấy thương cũng chịu dẫu lòng rách bươm.
(Hùng Nguyễn)
Chỉ hai tiếng Mình ơi! mà đã "Níu chiều chựng lại" Thêm một tiếng Dạ! mà "Mùa Đông trẩy nắng"...Hà cớ gì họ lại không :
Thế rồi, ta quen miệng gọi nhau "Mình ơi!"
Mặc nợ duyên không nên nghĩa vợ chồng
Đi qua bão tiếng hời cao lồng lộng
Xuôi dòng tình rót khúc vọng lả lơi.
Vâng tâm lý chung của những người đang yêu hầu như là vậy. Mặc! Bão
giông xô đẩy dập vùi họ bất chấp tất cả. Mấy ai thẳng thắn được như nhà
thơ Đồng Đức Bốn để mà hỏi: "Em bỏ chồng về ở với tôi không?" Nhiều rất
nhiều các cô, các chị khi nghe câu này thì "Mấy thương cũng chịu dẫu
lòng rách bươm". Và không ít quý ông đa tình sau khi thốt ra câu hỏi ấy
mới giật mình tỉnh lại để "Quay đầu về núi". Ở đây tác giả Hùng Nguyễn
đã để cho hai chủ thể Anh và Em đi qua "Bão tiếng hời cao lồng lộng" Một
cách thản nhiên. Để cùng nhau: "Xuôi dòng tình" Mà " rót khúc vọng lả
lơi".
Nhưng lại là chữ nhưng xuất hiện trong đầu người viết. Bởi có lẽ để
vượt qua "bão tiếng hời.." Không hề dễ dàng. Chủ thể Anh hình như sau
phút "Níu chiều chựng lại". Đã nhận ra việc gọi nhau "Mình ơi!" Sẽ đi
đâu? Về đâu đây? Nên Anh đã thầm nhắn gửi những ai cùng cảnh ngộ và có
lẽ cũng là gửi đến người "Cách mấy phương trời" Đang ngày đêm ấu yếm gọi
nhau Mình ơi! Nữa đây:
Khi chúng mình gọi nhau hai tiếng "Mình ơi!"
Là sông rủ sông cùng tìm về biển cả
Là mặn mòi đầy đại dương vời vợi
Là hồi môn tặng đời một huyền thoại phù sa.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có một ước ao rất đặc biệt thế này:
“Ước gì ta được là sông
Để ra đến biển là không còn mình”
Tác giả Hùng Nguyễn một nam nhân thi sĩ lại để cho chủ thể Anh hẹn hò
cùng Em, ở một nơi mà cuối cùng rồi ai cũng phải đến. Vâng! Trăm sông
cùng đổ về với biển. Sông rủ sông một ẩn ý đắt giá cho hoàn cảnh của Anh
và Em lúc này. Hai nhánh sông còn mong có đoạn hợp dòng trước khi về
cửa biển. Nhưng Sông rủ Sông thì ắt hẳn là hai dòng nước song song mãi
mãi... Chỉ còn biết đợi ngày về với Biển. Dẫu "Không còn mình" Nhưng dù
muốn hay không cũng chỉ còn cách này, nơi này mà thôi!
Có lẽ đó
không chỉ là tâm trạng là nỗi niềm là hy vọng của chủ thể anh. Mà còn có
nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tác giả Hùng Nguyễn, người viết và ít nhất có
thêm:
Nữ sĩ Quế Hằng trong Tình Yêu:
Tình là biển mênh mông
Đón dòng sông đỏ áu
Sông tìm biển nương náu
Cả lúc nắng, khi mưa...
Và đây nữa " Vì chặng cuối sông dài là biển rộng. Ta một lần chắc chắn gặp nhau" (Em Đừng HPV).
Trở lại với bài thơ cùng tâm tư chủ thể Anh được tác giả Hùng Nguyễn gửi gắm trong khổ thơ kết:
Nhé em, hãy cứ gọi nhau "Mình ơi!"
Âu yếm, giản đơn, thật thà như độc thoại
Xuyên nỗi nhớ, em gọi: Mình ơi...! trong hoang dại
Linh tính... anh nằm một mình cười mỉm... Mình ơi!
Bốn câu thơ có ba dấu ba chấm, ba từ Mình ơi! kèm theo nào là "Hãy
cứ gọi" Nào là "Thật thà" Nhưng lại xuất hiện "Độc thoại", "Một mình"
"linh tính" Nơi Anh, dẫu vẫn có "Âu yếm" "Nỗi nhớ", "Giản đơn", "Mỉm
cười". Nhưng chỉ một cụm từ "Trong hoang dại" Nơi Em. Là đã đủ để người
viết tin tưởng vào dòng suy tư của mình khi cùng trôi theo cảm xúc
"Nghẹn Ngào Hai Tiếng Mình Ơi! Của tác giả Hùng Nguyễn...
Người viết xin tặng chủ thể Anh trong thơ và tác giả Hùng Nguyễn một khúc ca từ của nhạc sĩ An Thuyên thay cho lời kết!
"Cắt nửa vầng trăng
Cắt nửa vầng trăng tôi là con đò nhỏ
Chặt đôi câu thơ
Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng
Đưa tôi về
Đưa tôi về với người tôi yêu.. "
Chuyện tình cảm nam nữ không ai biết trước và cũng không ai nói mạnh
miệng được. Xin chúc cho tất cả các cặp vợ chồng trên thế gian này bên
nhau luôn âu yếm nói với nhau như:
Mình Ơi!
Đôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi
của Mình là Mình, Mình ơi !
(Mình Ơi!-Diệu Hương)
Sài Gòn 02/05/2015
Huỳnh Xuân Sơn
**************************************
**************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét